KHỞI NGHIỆP
Hai chữ ngắn ngủi nhưng đường đi lại thật dài. Đường đi dài nên rất cần tuổi trẻ.
Vậy nên nếu bạn còn tuổi trẻ thì đó là một món quà vô giá mà tạo hoá ban cho bạn mà bạn chưa đánh mất.
Có một câu hỏi mà ít người biết đó là:
Một người bắt đầu con đường khởi nghiệp từ khi nào?
Nhiều người nghĩ rằng đó là khi họ bắt tay làm một dự án nào đó… nhưng thực ra không phải.
Một người khởi nghiệp là từ khi họ bắt đầu có suy nghĩ đầu tiên manh mún rằng: “Mình muốn khởi nghiệp”.
Mọi thứ chỉ bắt đầu bằng suy nghĩ đơn giản đó. Ai cũng vậy, nó như một tế bào đầu tiên của một doanh nghiệp. Vậy nên đôi khi bạn đã khởi nghiệp một chặng đường rồi mà không biết.
Cái suy nghĩ thoáng qua đó cứ chập chờn trong đầu họ, có thể nó bị dập tắt hoặc bị lấn áp bởi những bận rộn thường ngày, và suy nghĩ đó chết yểu. Nó chết từ trong bào thai…
Nhưng có những người thì suy nghĩ ấy càng lặp lại nhiều, dù họ đang vướng bận vào những thứ như công việc, như học hành thi cử nhưng “Mình muốn khởi nghiệp” lại vang lên.
Âm thanh ”Mình muốn khởi nghiệp” lớn dần, nó như một người bạn vẫn quẩn quanh và dần dần chiếm lĩnh một khoảng không đủ lớn trong tâm trí và… họ bắt đầu tìm kiếm: “Mình nên bắt đầu từ đâu nhỉ?”.
Họ hít sâu luồng khí vào lồng ngực và thở ra mạnh mẽ như tìm kiếm một cuộc sống mới, một cuộc sống không còn lặp lại như bao ngày.
Với những người đã đi làm thuê, làm thuê chẳng có gì là sai trái cả, nó hoàn toàn thuận theo con đường đa phần mọi người chọn. Nhưng họ chọn đôi khi là do chưa tìm được lựa chọn tốt hơn.
Có những người chấp nhận sự lựa chọn đó, nhưng có những người thì vẫn luôn tiếp tục tìm kiếm một con đường mới để cuộc sống không là chuỗi ngày nhàm chán lặp đi, lặp lại.
Đi làm thuê, nó gọi là như nào nhỉ. Nó giống như một chiếc hộp làm bằng sắt hình lập phương mà mỗi cạnh chỉ vẻn vẹn 1 mét vậy. Cạnh trên là sếp đè xuống, cạnh bên là đồng nghiệp, gia đình, mưu sinh đè vào, cạnh dưới là khách hàng đẩy lên. Nó khiến cho con người ta ngồi gọn lỏn trong cái hộp đó.
Khó chịu lắm, đứng thẳng không được vì sẽ củng đầu, nằm ra không được vì không đủ chỗ. Ta chỉ ngồi và ngồi yên trong đó. Đổi lại: người ta gọi đó là an toàn, ổn định. Họ tiếp tục ngồi đó vì đơn giản mọi thứ khó chịu ấy chưa đủ đau để họ đứng dậy.
Sinh viên đi học. Điều tuyệt nhất đó là được học thứ mình thích, tuyệt nhất là biết học cái đó là để làm gì?… nhưng tiếc thay nhiều người chỉ đi học vì…mọi người đều như thế.
Tốn tiền, tốn của, tốn thời gian tuổi trẻ.
Trách nhiệm do ai? Do nhiều bên lắm, nhưng trước tiên hãy trách chính mình. Chính mình không chủ động tìm kiếm, tìm hiểu mà cứ chờ mong và phụ thuộc vào cha mẹ, nhà trường, xã hội.
Hỡi sinh viên, hãy tỉnh dậy và ngồi suy ngẫm, tìm đọc nhiều hơn, mở mang não nhiều hơn để trả lời cho câu hỏi: “mình sinh ra để làm gì?”
Đừng đi mãi theo vết xe của đám đông nếu bạn không muốn 1 đời có 70 năm giống nhau và mỗi năm lại có 365 ngày giống nhau.
Tôi tiếc tuổi trẻ của thanh niên, tôi tiếc những hạt mầm “Tôi muốn khởi nghiệp” đang ấp ủ trong những người đi làm thuê. Những người cảm thấy khó chịu với cuộc sống hiện tại nhưng nó lại chưa đủ đau, chưa đủ nghị lực cho họ đứng dậy và mở chiếc hộp gò bó ấy.
Ai cũng sợ, sợ khi phải bước ra khỏi hộp.
Bước ra khỏi hộp là một thế giới khác, nó lại còn khó hơn cả trong hộp, vì nơi đây là nơi của những người khổng lồ đứng ngoài hộp. Họ lại làm nhiệm vụ nhặt những chiếc hộp trong thế giới và chơi trò chơi xếp hình. Họ lại thi xem ai xếp cao hơn, ai xếp vững hơn.
Bước ra hộp thì bắt đầu như nào đây? Thế giới đó lạ lắm, những kiến thức và những điều cần biết ở thế giới đó khác xa với những gì được biết trong hộp.
Tất nhiên rồi, để ta ngồi trong hộp tốt thì cần học những thứ phù hợp trong hộp, còn để ta chơi trò chơi xếp hình tốt thì phải học những thứ của những người khổng lồ. Điều đó có gì phải bàn cãi.
Đa phần những người trong hộp đều “không biết mình đang không biết cái gì” cho đến khi được tiếp cận những thứ của những người bên ngoài.
Vậy nên bắt đầu từ đâu đây?
Đó là phải “biết mình đang không biết những gì” đã.
Họ mon men tìm kiếm những thứ mới lạ, họ tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Và khi lượng kiến thức đủ lớn và họ đủ tự tin thì đó là lúc họ mới chính thức bước ra khỏi hộp. Lột đi cái vỏ an toàn và chấp nhận một điều chưa hề quen: Họ sẽ không chờ lương nữa mà họ sẽ đi trả lương cho người khác, họ sẽ không chờ sếp khen nữa mà họ sẽ đi khen người khác, họ sẽ không mong chế độ công ty nữa mà họ sẽ tạo ra chế độ cho người khác, và họ sẽ không phải tuân theo các quy định của công ty nữa mà họ sẽ tạo ra quy định,… ôi những thứ ngoài hộp sao khác xa quá.
Họ phải học và thay đổi rất nhiều để lao lên trên con đường đầy kì thú.
Thú bị hơn, những ngày đầu khởi nghiệp thì năng lượng luôn tăng giảm thất thường. Cuộc sống như hỗn loạn và một mớ bòng bong.
Chẳng lạ gì những ngày bạn tham gia hội thảo hào hứng và quyết tâm nhưng chỉ hai ba ngày sau là đâu lại vào đó.
Chẳng lạ gì những đêm đầy sáng tạo và khát vọng lớn lao nhưng sáng hôm sau đâu lại vào đó.
Chẳng lạ gì giây phút hô vang sự quyết tâm trong đời nhưng thôi trùm chăn ngủ tiếp.
Chẳng lạ gì những khi nói ra điều lớn lao đã bị người xung quanh cười chê và dìm chìm bỉm mọi thứ. Họ không làm được thì bạn cũng phải không làm được.
Vì sao ư? Lỗi không tại bạn đâu vì ai cũng thế. Chúng ta bị thiếu môi trường.
Một môi trường của những người hiểu chúng ta, những người không chấp nhận thực tại, họ liên tục sáng tạo, họ liên tục cải tiến mỗi ngày và họ sẽ vỗ vào vai bạn với một câu xuồng xã: “đờ mờ người anh em lại giả vờ yếu đuối hả, đứng lên” mỗi khi bạn thất vọng hay xuống tinh thần.
Và chính họ và bạn là những người luôn nỗ lực tạo ra các di sản để lại cho đời. Những người đi đến đâu để lại dấu chân đến đó. Họ bước đi và để lại thành tựu cho đời.
Chẳng ai hiểu người khởi nghiệp bằng chính những người khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp” hai chữ thôi nhưng mà thực hiện nó dài lắm.
Tôi là người ghét nói suông. Người ta chê VN ta không làm được cái này, không làm được cái kia, cái này dịch vụ kém cái kia dịch vụ tồi… và tôi im lặng không có nghĩa là tôi không biết.
Thay vào đó tôi tìm cách giải quyết chứ tôi không tiếp tục “nêu vấn đề”.
Đó cũng là lý do tôi quyết tâm đưa môn Kiến Thức Nền vào phục vụ những người muốn bước ra khỏi hộp. Và nay nó đã trở thành Học viện Kiến Thức Nền – Khởi nghiệp thông minh.
Họ bước ra khỏi hộp là một chặng đường đấu tranh tinh thần khủng khiếp lắm, như một chú nhộng lột xác để xoè ra đôi cánh bay vào không trung, họ là những người gánh vác nền kinh tế nước nhà sau này chứ còn ai. Tôi phục vụ họ trong tự hào và hạnh phúc.
Rất nhiều doanh nghiệp đã khai sinh ra từ đây, thực hiện sứ mệnh cải tiến những thứ chưa tốt, tạo mới những thứ hữu ích cho cộng đồng.
Tôi lo hành trang kiến thức cho họ, tôi lo nơi ở cho họ, tôi lo văn phòng khởi nghiệp cho họ. Học phí thu về người ta nghĩ rằng tôi tư lợi nhưng thực ra cuộc sống tôi giờ chẳng thiếu gì cả, tôi dùng học phí đầu tư cơ sở vật chất cho các bạn khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là sáng tạo, là những giây phút làm việc xuyên đêm và ngủ ngày, là những giây phút tất cả cùng ăn mừng cho dự án của một người, là những giây phút cả chục start-up cùng ngồi ăn mì tôm.
Sẽ có những đêm dài bạn ngồi tại bàn cà phê của học viện trên tầng 31, phóng tầm mắt nhìn khắp thành phố và nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai, một cảm giác man mác lạ kì khi thành công chưa đến, một vài thành tựu nhỏ bé vừa đạt được. Cái cảm giác lưng chừng ấy thật phiêu lãng.
Sẽ có những ngày miệt mài thí nghiệm sản phẩm tại học viện, làm đi làm lại mà vẫn không thành, những giây phút đăm chiêu suy nghĩ.
Sẽ có những lúc bị ông thầy béo sạc cho một trận vì lên kế hoạch không cẩn thận và đồng đội đã thế còn hùa vào chửi bới bạn như một lũ trẻ trâu. Đó là khi trái tim chúng ta chạm vào nhau và chẳng còn thứ gọi là khoảng cách.
Những ngày bảo vệ dự án kêu gọi vốn thử thôi đã bị ông thầy tương cho hoang mang hết xảy.
Tất cả, tất cả là nằm trong câu: “thử thách sinh ra để phân loại con người”.
Nơi đây vui, nơi đây tiện nghi và nơi đây rèn rũa tri thức con người.
Tất cả những khoảnh khắc đó sẽ chẳng bao giờ quên khi các bạn trưởng thành, trở thành những người chủ lớn.
Tại học viện, tôi có một câu rất thích đó là: “chúng mày hãy cút nhanh đi”. Bởi vì khi họ cút khỏi đó nghĩa là họ đã đứng vững được trên chính đôi chân của mình. Chúng tôi mừng và chúc cho nhau tiếp tục vững bước.
Rồi một ngày họ trở lại học viện, nhưng với một tư thế khác. Không phải là ngày chập chững e dè bước tới học nữa, mà đó là ngày họ về chia sẻ kinh nghiệm thành công và giao lưu với những thế hệ sau của mình. Mang nguồn vốn về đầu tư cho những start-up non trẻ. Đó là hạnh phúc riêng họ và cũng là sứ mệnh của họ với thế hệ sau này.
Bạn có thể 18 tuổi, hoặc có thể đã 50 tuổi. Điều đó không quan trọng, nếu bạn muốn khởi nghiệp và nghĩ rằng nơi đây là nơi dành cho bạn thì đừng chần chừ gì nữa. Bước đến và bắt đầu một cuộc phưu lưu.
Học viện của những doanh nhân ư? Tôi chẳng thích gọi nó là như thế: tôi không thích gọi những thứ bình dị thành cao siêu, tôi thích biến những thứ cao siêu thành bình dị.
Vậy nên…
Môn Học tôi gọi là Kiến Thức Nền.
Học Viện Tôi gọi nó là: Nhà trẻ của những doanh nhân.
Nguyễn Minh Ngọc ™