Con người sợ học, vì điều đó khiến họ cảm thấy vất vả mà lại không thể tận hưởng ngay được thành quả. Kiến thức là thứ cứ phải áp dụng thử rồi dần dần mới quen, rồi sau đó mới tạo được giá trị lợi ích cho bạn.

Kiến thức không ngon ăn như khi ta cắn ngập răng chiếc bánh kẹp thịt xông khói và tận hưởng nó.

Kiến thức không phê như bia rượu vì nó không giúp bạn ngay tập tức tận hưởng cảm giác nâng nâng sảng khoái bên bạn nhậu.

Kiến thức không ngon chút nào.

Nhưng…

Chiếc bánh chỉ giúp bạn no một vài tiếng sau đó.

Nhậu nhẹt chỉ cho bạn cảm giác phê pha ngày hôm đó.

Kiến thức thì không thế… Vậy nó khiến bạn no và sảng khoái trong bao lâu?

Cái dạ dày quan trọng với bạn ngày hôm nay – bộ não quan trọng cho cái dạ dày trong tương lai.

Nhiều lần ngồi bàn VIP trong các hội thảo, tôi luôn có chai nước ưu tiên đặt trước mặt. Thường thì tôi chỉ uống một chút rồi để lại.
Ai sẽ là người uống nốt?

Không ai cả.

Có phí phạm không? Không phải của tôi mà. Thứ miễn phí mà? Tiếc làm gì? Tận dụng làm gì?

Tôi nhận ra cách tôi đối xử với chai nước do chính tôi bỏ tiền ra nó lại hoàn toàn khác. Tôi uống từng phần và mang theo cho đến khi hết giọt cuối cùng thì thôi.

“Giá trị của một sản phẩm hoàn toàn do cách mà bạn có nó”.

Tôi cố gắng giúp đỡ ai đó, tạo mọi điều kiện cho họ thì họ lại không hề phát triển, vẫn mãi ỉ lại, vẫn mãi dậm chân tại chỗ.

Ai đó tìm cách để nhờ tôi, tôi thường khiến họ gặp khó khăn bằng một số thử thách, thì cuối cùng họ lại rất nỗ lực và luôn đạt được những điều họ muốn.

“Giá trị của một sản phẩm hoàn toàn do cách mà bạn có nó”.

Nếu bạn muốn giúp đỡ ai – hãy CHO HỌ BIẾT RẰNG BẠN CÓ THỂ GIÚP nhưng CHỈ HÀNH ĐỘNG KHI CHÍNH HỌ YÊU CẦU.

Để tôi kể bạn câu chuyện này:

Một người vô tình tìm được một cao nhân rất thành công và giàu có, khi ông ấy đang đi ngang qua khu chợ. Anh ta nhanh chóng lao đến và háo hức xin một lời của vị cao nhân về bí quyết thành công.

Vị cao nhân nói luôn nói 2 chữ: KIÊN TRÌ.

Anh ta tâm đắc, gật gù và cảm ơn rối rít. Về nhà rồi anh ta cũng tâm niệm sẽ KIÊN TRÌ. Ngày một anh ta làm và luôn nhớ, ngày hai, ngày ba,… rồi khó khăn vẫn mãi khó khăn và anh ta bị cuốn đi bởi vô vàn điều khác và quên từ KIÊN TRÌ kia.

Cuối cùng anh ta chán nản và gục ngã.

Ở một nơi khác, một anh chàng đã lặn lội đường xá xa xôi, tìm đến nơi quy ẩn của một bậc cao nhân thành công và giàu có. Anh ta vượt rừng, vượt núi, tốn không ít tiền của và thời gian, công sức. Ngày tìm đến thì vị cao nhân cũng chẳng nói câu nào và chỉ nói về 1 cuốn sách đã giúp ông ấy thành công.

Anh chàng mong muốn mua lại cuốn sách đó, nhưng vị cao nhân bắt anh ta phải trả toàn bộ số tiền đang có trên người thì mới bán. Anh ta nhìn lại chuyến hành trình đi về đầy xa xôi làm sao có thể không còn tiền đây. Nhưng mục đích đến đây là có được bí quyết đó, thì giá nào anh ta cũng trả.

Vị cao nhân nói, chỉ khi sống sót về được đến nhà mới được mở ra, mở ra trên đường sẽ không học được gì hết. Anh nghe theo và cố gắng lết về. Đói, mệt, cực khổ anh ta vừa đi vừa xin ăn trên đường. Chưa bao giờ một người như anh ta, sinh ra trong một gia đình không thiếu thốn phải làm vậy.

Ngày về đến nhà, anh ta mau chóng và hồ hởi mở cuốn sách dày gần 300 trang ra và đọc. Anh đã mong chờ phút giây đó từ rất lâu. Và cả 300 trang đó chỉ hoàn toàn ghi dày đặc chữ KIÊN TRÌ.
Anh ta trầm ngâm và nghĩ rằng vị thánh nhân đã dạy anh ta một bài học lớn. Từ ngày đó, cuốn sách luôn bên anh ta như nhắc nhở về thành công.

Mỗi lần khó khăn, mỗi lần thất bại thì cuốn sách với 2 từ KIÊN TRÌ lại hiện hữu và cho anh một động lực tràn đầy.

Anh cảm ơn cuộc sống và cuốn sách đã đưa anh hết thành công này đến thành công khác. Cuối đời anh cũng quy ẩn rồi đem theo cuốn sách kia… Sẽ có một ngày, một thanh niên nào đó sẽ đến tìm và mua nó…

Tôi viết ra những điều này vì muốn bạn bỏ tiền ra – hãy bỏ công sức để đánh đổi – trả giá cho những thứ bạn nhận.

BẠN SẼ THÀNH CÔNG – KHI BẠN BIẾT TRẢ GIÁ.

Nguyễn Minh Ngọc ™.