02:20 sáng! Viết để gửi đến các em.

Câu chuyện của ĐỖ và TRƯỢT / THÀNH CÔNG và THẤT BẠI.

Sợ bị hàng xóm, xã hội chê cười, gia đình bất hoà, cảm thấy nhục nhã, tự kỉ, bỏ nhà đi, tuyệt thực, tự tử,…

Một số câu chuyện của những em trượt đại học. Mà đáng lẽ không đến nỗi xảy ra cơ sự đó.

Đơn giản là không ai nói cho các gia đình và các em về định hướng tương lai, để cho mọi thứ u mê, bối rối dắt díu nhau đi vào một lối mòn suy nghĩ cổ hủ “trượt đại học là chấm hết” dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

<=========>

Trước hết, tôi xin chia sẻ chính cuộc đời mình.

Sự thật lại chứng minh rằng những thứ có giá trị với tôi đều đến từ chữ trượt chứ không đến từ chữ đỗ.

* Năm 2001, tôi đỗ trường chọn tại thị trấn. Khá kiêu căng và sớm hoà mình vào các trò chơi điện tử thời thượng, chơi đêm ngày. Tôi đủ thông minh để biện hộ cho tất cả những gì tôi chơi. Kết quả học tập ngang phè phè, giỏi ko ra giỏi, dốt không ra dốt, nên cũng chẳng ai chê trách gì được tôi.

* Năm 2005, tôi trượt trường chuyên tỉnh Hà Nam. Thực sự rất buồn và xấu hổ vì bạn bè cùng đội tuyển đều đỗ.
=> Cái đầu óc non dại của tuổi 16 đã nghĩ đến chữ: “cuộc đời mình coi như hết” – vì đơn giản mình trượt trường chuyên – mình sẽ không có tương lai.

Nhưng cái hệ quả để lại thì hoàn toàn khác: tôi học ở trường nhà, nổi bật và đầy hào hứng, thầy cô đều quý, chấm dứt ham mê điện tử và không hứng thú đi chơi tối, mọi thứ tuyệt vời đến không tưởng.

Nếu ngày đó tôi đỗ vào chuyên: có lẽ tôi sẽ vẫn tin là mình đúng và ung dung đi theo những thú vui và ham mê ấy. Và chắc chắn rằng ở nơi toàn siêu sao như trường chuyên thì tôi chỉ là một ngọn đèn le lói.

* Năm 2008 Tôi đỗ BKHN
=> vì đỗ một trường danh tiếng đã khiến tôi cho rằng thế là đủ để có tương lai tươi sáng. Tôi tự mãn, vô định hướng, ăn, ngủ, đi chơi và mang về cái mớ điểm D với D+ mà đến khi ra trường tôi cũng chịu, chẳng thể kéo lên được.

* Năm 2009, chúng tôi thi phân Khoa, tôi muốn vào Công nghệ thông tin, nhưng tôi trượt. Tôi rớt vào khoa Hoá, khoa Hoá thì chẳng có gì không tốt trừ một điều là tôi học hoá dốt nhất và cũng ghét học hoá nhất.

Chuyên Môn quyết định nghề nghiệp, công việc tương lai lại là thứ mình đã dốt lại còn ghét học. Thường thì các bạn như tôi sẽ thi lại đại học hoặc tìm học thêm trường khác.
Với nhiều người nghĩ rằng cánh cửa cuộc đời khép lại.

Nhưng không, tôi chỉ buồn đúng 5 phút. Tôi bước qua cửa thư viện Tạ Quang Bửu và tự an ủi: ông trời đã sắp xếp thì chắc chắn có lý do của nó.
Chắc là cả gia đình tôi sẽ ngạc nhiên vì khi tôi bị rớt khoa mà vẫn vui vẻ bình thường.

Tôi không đi chơi nữa, tôi tìm đến các câu lạc bộ sinh viên, tham gia tình nguyện, thể dục thể thao, chủ động để được làm cán sự lớp. Tôi hoà mình vào một cuộc sống năng động thực sự, tôi làm tất cả những gì mà tôi muốn, coi nhẹ sự gò bó học tập. Nhưng tôi vẫn cố theo được hoá để tiếp tục ở BKHN.

Kết quả mang lại:
Kiến thức logic toán, lý, hoá của tôi hoàn thiện hơn rất nhiều, góc nhìn vận động tự nhiên trở nên rõ ràng phục vụ tốt cho khả năng tư duy, suy luận sau này.
Nếu không vào khoa Hoá thì tôi thề là sẽ cho Môn Hoá vào dĩ vãng, và tôi sẽ chẳng biết cái quái gì về hoá cả.

Tôi trở thành một lớp trưởng năng động, lập nhóm chuyên cần, lập ban giải trí đi làm phim, clip, ban đời sống tổ chức chương trình từ thiện cho lớp,… => kỹ năng quản lý và phong thái cá nhân phát triển hơn rất nhiều.

Tôi say mê tiến tới những cuốn sách kinh doanh, tiến tới những kỹ năng bán hàng, kỹ năng tâm lý, trải nghiệm những công việc kiếm tiền từ sớm.

Tôi cảm thấy thật may mắn vì khi xưa rớt vào khoa Hoá.

* Năm 2013 Tốt nghiệp BKHN bằng Trung Bình.

Nếu tôi được bằng Khá, Giỏi thì lại một con đường xin việc mở ra, tay trắng bước ra cuộc đời, tôi sẽ rất lăn tăn giữa khởi nghiệp và đi làm thuê; có hai con đường thường rất khó quyết định.

Bằng Trung Bình là may mắn tuyệt vời với tôi. Với cái bằng TB đó thì tôi có thừa lý do để bước vững vàng theo đam mê kinh doanh của mình mà không nề hà tiếc nuối.

Ngày hôm nay, khi công ty của tôi vẫn đang từng bước hoàn thiện. Trải nghiệm gặm nhấm thời gian và ngắm nhìn đứa con tin thần đang lớn dần. Rõ ràng cuộc sống của tôi đang rất thú vị.

Nếu tôi vào được công nghệ thông tin thì có lẽ 4 năm cuối đại học tôi sẽ bám theo cái đam mê đó, và ngồi ôm cái máy tính có thể là lập trình hay sửa chữa cả ngày.
Khả năng cao là tôi sẽ chẳng đủ nổi bật trong làng công nghệ để kiếm được thu nhập dư dả, chắc là chờ đồng lương cuối tháng. Sống như vậy với tôi là một cực hình.
Ngay cả nhân viên IT của công ty, tôi cũng nói luôn từ hôm phỏng vấn: “nơi đây sẽ biến anh thành ông chủ, để tương lai chúng ta là bạn, chứ tôi cũng không mướn anh làm thuê mãi cho tôi”.

Như vậy đó:
– Đỗ trường chọn làm tôi nghĩ mình giỏi giang nên chơi bởi xa đọa.
– Trượt trường chuyên giúp tôi chững chạc và chín chắn.
– Đỗ BK, trường danh tiếng, khiến tôi tự mãn, tự cho mình quyền nghỉ ngơi, thiếu cầu tiến.
– Trượt phân khoa lại đưa tôi đến thế giới của sự năng động.
– Tốt nghiệp Trung Bình trở thanh một lợi thế vô cùng lớn cho tôi vững bước theo đam mê.

<=========>

Có lẽ nếu ngày xưa tôi trượt đại học, thì tôi cũng không nghĩ đủ ra thứ để biện hộ về tương lai. Nhưng đến hôm nay, dựa trên trải nghiệm cá nhân và tích luỹ trên rất nhiều cuốn sách của những con người nổi tiếng nhất thế giới để lại, tôi có thể tự tin khẳng định với những em đỗ đại học và trượt đại học rằng:

* Những em trượt đại học hãy nhớ, đó là may mắn cho em. Tương lai của em là trở thành những ông chủ tài ba, em không cần kiến thức hàn lâm, em chỉ cần học ở trường đời, cái trường sẽ dạy cho chúng ta 99% kỹ năng sống.

Đừng cố tham vọng vào đại học, hãy bắt tay vào cuộc sống tuyệt vời đang mở ra trước mắt. Hãy học kỹ năng bán hàng, giao tiếp, kỹ năng tâm lý, kỹ năng kinh doanh,… đọc sách của những người nổi tiếng để lại – chỉ cần em biết đọc, vậy là đủ.
Mỗi người đều có sở trường riêng, một con cá và một con chim sẽ không thể thi chung một cuộc thi.
Nên nhớ, “không học đại học không có nghĩa là ngừng học”.
Cuộc sống vận động mạnh mẽ và sẽ đào thải những cá nhân không cố gắng.

* Những em đỗ đại học hãy nhớ, đó là con đường em sẽ đi. Tương lai của em không hề sáng sủa hơn ai cả. Đừng quá trông chờ vào cái bằng đại học.

Các em cũng phải tiếp tục rèn luyện kỹ năng để bắt kịp xã hội, chẳng khác gì các bạn không đỗ đâu. Nếu không, ngày tốt nghiệp em sẽ nhận một cái chứng nhận “trình độ đại học và kỹ năng mẫu giáo”.

Điều đó sẽ đưa các em vào những đường mòn vô cùng đen tối, và đừng đổ tại xã hội đã làm các em thất nghiệp.

Hãy tỉnh táo, đừng tự mãn như tôi!
<=============>

Rất nhiều sự thật hiện hữu là sau 5 năm học đại học nhiều người chỉ có một tấm bằng, còn người trượt đại học sau 5 năm có thể thành chủ một cơ sở kinh doanh lớn.
Tất cả là do chính cá nhân tạo nên, nỗ lực sẽ quyết định ai là người cán đích thành công.

Dù kết quả thi như thế nào thì các em và gia đình hãy vững tin vào tương lai, hãy sống và phấn đấu trên con đường số phận đã ban tặng. Thành công vẫn chờ đón những cá nhân cố gắng – đó là em!

Nguyễn Minh Ngọc ™