Truyện ngắn: Ong và Nhặng
BÀI HỌC THÔNG MINH TUYỆT ĐỈNH Ở MỘT KHU RỪNG
Ở một khu rừng nọ, cây cối tốt tươi, trăm hoa đua nở. Có một đàn ong chăm chỉ hằng ngày thụ phấn cho cây cối đơm hoa kết trái.
Một ngày đẹp trời, toàn bộ những cư dân động vật sống ở đây đã họp bàn và bầu đàn ong trở thành những lãnh đạo phát triển khu rừng.
Bộ tộc nhà ong hân hoan vui vẻ khi được muôn loài tín nhiệm, và họ ngày càng hăng say hơn kiến thiết và mở rộng khu rừng.
Khu rừng ngày càng phát triển mạnh do bộ tộc nhà ong vô cùng chăm chỉ. Giá như cuộc sống đó được yên bình thì tốt biết bao. Do lượng cây cối và công việc quá nhiều, sức của họ nhà ong không đủ để quán xuyến nữa nên họ đành tuyển thêm nhân lực để chăm sóc khu rừng.
Ong chúa đã cho họp bàn toàn bộ cư dân tại khu rừng và nói về khó khăn khi thiếu nguồn nhân lực. Các loài bắt đầu bàn tán, và bỗng một loài đã đứng lên xung phong làm công tác thụ phấn cùng họ nhà Ong, đó là họ nhà Nhặng (ruồi cỡ lớn). Họ Nhặng đưa ra lý luận rằng họ cũng có khả năng bay tốt như Ong, và họ có thân hình gần bằng họ nhà Ong nên các công việc họ nhà Ong làm được thì họ nhà Nhặng cũng làm được.
Nhặng trưởng họ có tài ăn nói và đã thuyết phục được cả gia tộc nhà Ong và toàn thể muôn thú. Cuộc họp đi đến kết quả là họ nhà Ong và họ nhà Nhặng sẽ cùng nhau chăm sóc phát triển khu rừng.
Muôn thú đều hân hoan vì khu rừng ngày càng phát triển nhờ có cả 2 họ nhà Ong và Nhặng cùng làm công việc thụ phấn. Nhưng bản tính của loài Nhặng thực tế không thích phấn hoa, loài này thích phân thối hơn, có chăng thì họ đang làm vì dưới sự chỉ đạo của họ nhà Ong mà thôi.
Công cuộc phát triển khu rừng càng ngày càng lớn và nhờ khả năng sinh sản nhanh chẳng mấy chốc họ nhà Nhặng đã đông hơn cả họ nhà Ong. Và một điều tồi tệ đã xảy ra với khu rừng, Nhặng bắt đầu không tuân lệnh từ họ nhà Ong, họ bắt đầu chống đối lại.
Với quân số đông hơn, và bản năng loài trỗi dậy họ nhà Nhặng muốn tạo ra các khu phân thối để tận hưởng mùi thối yêu thích. Họ nhà Ong thì vẫn chăm chỉ thụ phấn cho hoa, tạo quả, tạo hạt cho khu rừng và chiến tranh nội bộ ngày càng căng thẳng.
Khu rừng bắt đầu có sự đối đầu của họ nhà Nhặng và họ nhà Ong. Quan điểm của hai họ bắt đầu khác nhau. Họ nhà Nhặng muốn tạo ra thật nhiều khu phân thối, họ nhà Ong muốn tạo ra nhiều khu cây cối tươi xanh che chở cho muôn loài.
Chiến tranh trong khu rừng đã xảy ra và với sức mạnh về quân số áp đảo thì họ nhà Nhặng đã giành được quyền quản lý ngầm khu rừng. Ong chúa bị khống chế bởi thế lực quá đông của họ nhà Nhặng.
Một thời kỳ đen tối của khu rừng đã đến, trong khi họ nhà ong cố cứu vãn khu rừng thì họ nhà Nhặng tìm cách phá phách tạo ra sự chết chóc thoả mãn đam mê thối rữa của bản thân.
Họ nhà Nhặng thâu tóm quyền lực và khống chế cả quá trình tuyển nhân lực, đa phần những ong thợ giỏi đều bị gạt ra không được làm công tác phát triển khu rừng, thay vào đó họ nhà Nhặng âm thầm đưa hàng loại Nhặng trưởng thành vào hệ thống.
Khu rừng tiêu điều nhanh chóng, các hồ thối mọc lên, cây cối, xác động vật chết trở thành một thiên đường cho loài Nhặng.
Giá khi xưa Ong Chúa nhìn nhận ra bản năng của loài Nhặng thì khu rừng đâu đến nỗi như ngày hôm nay. Loài Nhặng đã quá xảo trá và không ngoan với một âm mưu thôn tính khu rừng.
Ong chúa đã già và gần như bất lực trước thế lực đông đảo của họ nhà Nhặng, công cuộc xây dựng hồi phục khu rừng gần như chỉ còn trông chờ vào thế hệ Ong trẻ.
Ong thụ phấn được bao nhiêu, cứu màu xanh của rừng bao nhiêu thì họ nhà Nhặng lại tàn phá bấy nhiêu. Muôn loài đau đớn vì cánh rừng quá tiêu điều.
Phát hiện ra hiện trạng của bối cảnh thì rất nhiều Ong thợ giỏi kỹ năng, có khả năng tháo vát đã vươn mình muốn gia nhập vào hàng ngũ xây dựng khu rừng nhưng rất tiếc họ không thể vượt qua được hàng rào sàng lọc của đội ngũ nhà Nhặng. Những chú Ong thợ được cho là tài giỏi này đã thất bại ngay từ bước đầu. Họ quay sang chỉ trích họ nhà Nhặng và ca thán rằng họ Giỏi nhưng không được trọng dụng trong khu rừng.
Bối cảnh khu rừng quá rối ren, làm sao để phục hồi cây cối, phục hồi sự phồn vinh tươi đẹp đây?
Một chú Ong khác từ nhỏ đã được nghe kể về quá trình phát triển của khu rừng, chú Ong chăm chỉ nghiên cứu, suy nghĩ suốt nhiều năm. Chú Ong này biết mình giỏi, có khả năng phục hồi khu rừng nhưng Ong nghĩ: “mình giỏi nhưng mình không qua được họ nhà Nhặng thì cũng không thể nào đóng góp sức lực cho khu rừng được. Mà không qua được trình độ của họ nhà Nhặng thì chứng tỏ mình chưa giỏi”.
Chú Ong trẻ hiểu ra được vấn đề và đã thực hiện một nước cờ vô cùng táo bạo, chú bắt đầu đi thẩm mỹ toàn bộ thân hình thành một con Nhặng. Chú học cách sống của một con Nhặng, làm những điều của một con Nhặng và rồi một ngày chú ứng cử tham gia quản lý khu rừng.
Bầy Nhặng thấy chú Nhặng mới này khá khoẻ mạnh và nhanh nhẹn nên đã mau chóng đồng ý để chú Nhặng mới bước vào trở thành nguồn nhân lực quản trị khu rừng.
Chú Ong đội lốt Nhặng đã thông minh vượt qua được vòng đầu tiên. Chú Nhặng có não bộ của một con Ong này bắt đầu dần dần thể hiện được tầm ảnh hưởng của mình trong bầy nhặng. Chú phát huy khả năng giỏi quản trị của mình và dần dần mở cửa đón những chú Ong và hệ thống quản lý khu rừng và đồng thời truyền bá về một văn hoá mới cho loài Nhặng, một văn hoá thơm tho hơn. Bằng khả năng thuyết phục tài tình, bằng nghệ thuật quản trị đỉnh cao. Chú ong đội lốt Nhặng đã dần dần đá những con Nhặng cứng đầu ra khỏi ban quản trị khu rừng, uốn nắn những chú Nhặng còn lại để phục hồi cây cối nơi đây.
Chẳng mấy chốc khu rừng đã xanh trở lại, muôn loài tôn trọng và biết ơn chú Nhặng với trái tim của một con Ong đã thay đổi đại cục. Một chú Ong đã chấp nhận đau đớn hoá thân thành một con Nhặng để phục vụ lợi ích của cả khu rừng.
Qua câu chuyện, người ta bắt đầu hiểu ra một điều về khái niệm Giỏi Thực Sự: Nếu bạn giỏi thực sự bạn phải làm được như chú Ong kia. Nếu bạn không qua được cửa của bầy Nhặng thì đơn giản là bạn chưa đủ giỏi.
————
Lời tác giả:
Tôi viết câu chuyện này vì tôi thấy nhiều người trong cuộc sống cho mình là tài giỏi nhưng không đạt được thành tựu rồi lại đổ tại cho người khác kìm hãm. Thông qua đây tôi muốn nói một phạm trù của sự Giỏi thực sự, nếu bạn giỏi thì làm sao người ta kìm hãm bạn được? Còn chừng nào vẫn bị người ta kìm hãm thì chứng tỏ bạn chưa giỏi.
Có lần phóng viên hỏi tôi: Thưa anh, tại sao nhiều cử nhân thạc sĩ rất giỏi nhưng sau khi ra trường lại không xin được việc?
Tôi phì cười: “Giỏi mà lại không xin được việc? Theo tôi thì không xin được việc là không giỏi (thực ra tôi nói lúc đó là dốt chứ không phải nói giảm nói tránh như này), còn giỏi thì người ta xin được lâu rồi, đừng lôi điểm số ra đây.”
Tác giả: Nguyễn Minh Ngọc ™